Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Phạm Thượng Hiền qua Thi phẩm “Đời và thơ”



Nhà thơ Phạm Thượng Hiền sinh năm 1948; nhưng qua tác phẩm “Đời và thơ “vừa xuất bản năm 2008, bạn đọc thấy ông vẫn còn rất trẻ, đặc biệt là tình yêu với thi ca và với con người, ở đó, người phụ nữ trở thành một điểm sáng.

Là một người nặng lòng với thơ, PTH từng tâm sự ông có một người mẹ rất thuộc Kiều, và có một người chị tần tảo mà ông thương quý. Và người mẹ, người chị đã đi vào thơ ông với nhiều kỉ niệm:

Thơ ca nguồn sữa tôi yêu
Từ ngày mẹ lấy câu Kiều ru tôi!
…………….
Em đi Myanma
Chị ở nhà theo cha theo mẹ
Hai chị em. Giời chia hai ngả
Từng phút từng giây vời vợi xót xa…

Khi Thi san Việt Nam phỏng vấn PTH về nhạc phẩm Bên sông Ninh nhớ mẹ, ông trả lời: Có một lần tôi tới sông Ninh, bỗng thấy nhớ mẹ tôi. Thế là cảm tác viết được bài thơ…Tôi nghĩ trong cuộc đời mỗi người đàn ông có thể có một vài người phụ nữ. Nhưng phụ nữ là người mẹ chỉ có một mà thôi. – Cái tình của ông đối với mẹ thật là dịu dàng.

Nhiều bài thơ của PTH viết về ngành Đường sắt, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi những con tàu, và những con người. Có một người phụ nữ là đồng nghiệp của ông – một cô gái Quảng Bình rất vất vả, rất đảm đang, bị bệnh hiểm nghèo, PTH khi ấy là Chánh văn phòng Tổng cục Đường sắt cùng cơ quan, bè bạn đến thăm:

Nắm tay em anh chẳng muốn rời
Không thể thế, trời ơi! Không thể thế!

Và như một người anh, một người bạn chân thành, nhà thơ khuyến khích:

Còn chút bình sinh
Em hãy tự khẳng định mình
Đời sẽ cho em
- sự sống hồi sinh…

Trong thơ PTH có một người phụ nữ đã xuất hiện như một niềm an ủi, một niềm xẻ chia, nương tựa và hy vọng. Và nhà thơ, như một mách bảo, đã tìm đến với hình ảnh con tàu và cánh chim – biểu tượng thân thiết của cuộc đời ông để diễn tả ý mình trong một tứ thơ đầy thi vị:

Anh như là con tàu
Mà em là ga cuối
Anh như là cánh chim
Có em làm vách núi.

Ga cuối là ga con tàu đỗ lại, nơi con tàu sẽ được nghỉ ngơi. Và đó là sự bình yên lớn nhất mà con tàu có thể tìm thấy nơi bến đỗ. Nhà thơ PTH có nghề chính là Đường sắt – Du lịch, nên ông dường như hóa thân và thấu hiểu một cách sâu xa hạnh phúc của những con tàu ngày đi nghìn dặm, nên mới viết được như vậy. Còn vách núi – là vách núi nương theo cánh chim bay lên, gợi một độ cao. Hình ảnh anh – em / cánh chim – vách núi mở ra một không gian thơ – một không gian hạnh phúc: vừa nâng đỡ, vừa kêu gọi, vừa thử thách…


Trong bất cứ mối quan hệ nào thì điều quan trọng nhất đối với thi sĩ và đối với thi ca là một trạng thái tình cảm (ở đây là một trạng thái yêu thương) đã xuất hiện.Bài Muộn được viết cho kỉ niệm ngày Valentin 2008:

Em xuất hiện như cuồng phong giông tố
Khổ cả hai!

Cảm xúc lớn, bất ngờ và mạnh mẽ! Chắc chắn, tất cả những người bình thường, tất cả các bạn thơ trong số chúng ta, nếu như gần cuối cuộc đời vãn khao khát gặp một con người, hay gặp một điều khác thường làm ta bối rối, làm ta không hiểu nổi mình, thì nhất định sẽ mừng vui khi đón nhận thơ PTH. Và người viết bài này hoàn toàn tin rằng một trong những phụ nữ như thế, – một người đẹp – giông tố – nói như thơ PTH – nếu đi qua cuộc đời anh, nhất định sẽ gây ra một cơn bão, một cơn bão lòng mà chẳng dễ gì chống đỡ!


…Đọc thơ PTH, người đọc còn bắt gặp trong thơ ông một con người từng trải, thấm thía vui buồn, có khi rất cô đơn:

Khi trở gió, lúc trăng tròn
Không ai là bạn sắt son tự tình?

Nỗi cô đơn đó thấm đượm trong một triết lý sâu và nóng bỏng, day dứt như một vết thương:

Niềm vui mà chia nhỏ
thì nhân lên nụ cười
Nỗi dau càng âm ỉ
càng bập bùng khôn nguôi.

Và có lẽ đó cũng là lý do để một người thơ như ông vươn tới sự gặp gỡ giữa con người với con người, vươn tới sự đồng cảm, chia xẻ và hạnh phúc, và thắm thiết như là Đời và Thơ vậy!.

Được biết PTH đã có 8 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Xin giới thiệu với quý khán giả bài Bến sông Ninh nhớ mẹ, lời PTH, âm nhạc Đỗ Kim Yến.
Xin chúc nhà thơ giữ được hồn thơ trẻ mãi và hạnh phúc./.


                                                                                   Hoàng Thủy Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét